Phong tục lễ đính hôn – Ý nghĩa, trình tự tổ chức như thế nào?

Phong tục lễ đính hôn là nghi thức quan trọng trong đám cưới của người Việt Nam. Đây là chuyện trọng đại bởi thế mà nghi lễ cần được tổ chức chỉn chu. Vậy lễ ăn đính hôn là gì? Ý nghĩa, trình tự lễ đính hôn gồm những gì?

Lễ đính hôn là gì?

phong tục lễ đính hôn
Tìm hiểu về phong tục lễ đính hôn

Lễ đính hôn hay còn được biết đến với các tên gọi khác như lễ ăn hỏi, đám hỏi. Đây là một nghi lễ truyền thống được coi như một bước để thông báo chính thức về việc hứa gả con cái giữa hai bên gia đình. Tính từ lễ đính hôn, đôi bạn có thể xem nhau như vợ chồng sắp cưới. Thông thường, lễ ăn hỏi sẽ diễn ra trước lễ cưới khoảng một tháng. Hoặc cũng có thể được gộp vào tổ chức cùng lễ cưới để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ý nghĩa lễ đính hôn là gì?

Phong tục lễ đính hôn là một trong những nghi thức vô cùng ý nghĩa trong cưới hỏi của người Việt Nam. Nghi thức này thể hiện:

Ý nghĩa phong tục lễ đính hôn
Ý nghĩa phong tục lễ đính hôn

Sự khởi đầu đôi bạn trẻ được công nhận

Lễ đính hôn đánh dấu bước khởi đầu trong hành trình hôn nhân. Trong ngày này, gia đình của chú rể mang theo lễ vật sang nhà cô dâu để xin phép cưới cho con trai của họ. Nếu thiếu lễ ăn hỏi, lễ cưới chính thức sẽ không thể diễn ra. Do đó, có thể nói rằng, nghi lễ này mang ý nghĩa quan trọng đối với sự khởi đầu mới của đôi tình nhân.

Thể hiện tấm lòng thành kính với tổ tiên

Theo quan niệm xưa, dù không hiện hữu bên cạnh nhưng ông bà tổ tiên vẫn luôn quan sát cuộc sống hàng ngày của chúng ta, đặc biệt là trong những sự kiện quan trọng như đám cưới. Trong lễ ăn hỏi, gia đình của cô dâu đặt lên bàn thờ và thắp nhang kính lễ các lễ vật từ gia đình chú rể để bày tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

Thể hiện thành ý, sự chu đáo của nhà trai

Ngày lễ ăn hỏi còn thể hiện sự chu đáo, thành ý và tôn trọng từ nhà trai đối với nhà gái thông qua việc bày biện các mâm lễ đầy đủ và sang trọng. Đồng thời, đó cũng là cách thể hiện thành ý, lòng tôn trọng và biết ơn của nhà trai với nhà gái đã có công lao trong việc sinh thành, nuôi dưỡng con gái để trở thành con dâu tương lai của họ.

Lễ đính hôn cần chuẩn bị những gì?

Đám hỏi là dịp lễ quan trọng mà khi nhà trai qua xin phép, trò chuyện với gia đình nhà gái trước khi cho đôi trẻ chính thức được lấy nhau. Để buổi lễ diễn ra trọn vẹn, hai bên gia đình cần có sự chuẩn bị chu đáo, tươm tất.

Lễ đính hôn chuẩn bị những gì
Lễ đính hôn chuẩn bị những gì?

Gia đình nhà trai

Do sự kiện được tổ chức bên nhà gái, nên phía nhà trai không cần chuẩn bị cổng hoa. Tuy nhiên, gia đình nhà trai cũng cần chuẩn bị:

Sính lễ

Về sính lễ, tùy phong tục tập quán từng vùng miền mà nhà trai sẽ quyết định số lượng tráp cũng như lễ vật trong tráp. Theo phong tục miền Bắc, số lượng tráp thường là số lẻ như 3, 5, 7, 9, 11. Trong khi đó, ở miền Nam thì thường theo số chẵn như 4, 6, 8, 10 tráp.

Nhà trai cần chuẩn bị sính lễ
Nhà trai cần chuẩn bị sính lễ

Các lễ vật đặt trong mỗi tráp gồm trầu cau, trái cây hình Long – Phụng, thuốc lá, rượu, bánh phu thê, xôi chè, heo sữa quay, nem chả… Tùy văn hóa mỗi vùng miền mà hai bên gia đình có thể bàn bạc, thảo luận và thống nhất.

Ngoài các tráp lễ, gia đình của chú rể có thể chuẩn bị thêm những món quà trang sức cho nàng dâu mới như khuyên tai, vòng kiềng, lắc tay, nhẫn. Việc làm này của gia đình nhà chồng không chỉ là lời chúc phúc mà còn thể hiện mong đợi về sự sung túc, dư dả và may mắn cho tương lai của cặp đôi.

Tiền nạp tài

Chuẩn bị tiền nạp tài là một phần bắt buộc trong các nghi thức của lễ đính hôn. Số tiền này sẽ tùy vào điều kiện kinh tế cũng như sự bàn bạc thống nhất giữa hai bên gia đình.

Trang phục chú rể, đội bưng tráp cho nhà trai

Để đảm bảo sự hòa hợp giữa trang phục của cô dâu và chú rể, đôi uyên ương nên thảo luận và đồng thuận trước về lựa chọn trang phục. Vì chú rể và cô dâu đều là những nhân vật chính tại buổi lễ, trang phục cần được thiết kế với tone màu nổi bật và họa tiết tinh tế hơn so với trang phục của đội bưng tráp.

Phương tiện đi lại

Buổi lễ đính hôn sẽ diễn ra tại nhà gái nên nhà trai cần sắp xếp phương tiện di chuyển. Để thuận tiện di chuyển, chú rể có thể lựa chọn các phương tiện đi lại như thuê xích lô, ô tô…

Chuẩn bị bao thư để lì xì đội bưng tráp

Việc chuẩn bị bao thư lì xì không chỉ là cách thể hiện lòng cảm ơn đối với những người bưng tráp đã dành thời gian tham dự và hỗ trợ cặp đôi, mà còn là cách mua lại “duyên” lời chúc phúc dành cho cô dâu và chú rể.

Gia đình nhà gái

Để buổi lễ tươm tất, gia đình phía nhà gái cần chuẩn bị:

Trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị bàn thờ gia tiên

Nhà gái cần trang trí nhà cửa cho buổi lễ đính hôn
Nhà gái cần trang trí nhà cửa cho buổi lễ đính hôn

Nhà cô dâu chính là nơi diễn ra lễ đính hôn. Do đó phía nhà gái cũng cần trang trí lại không gian, sắp xếp bàn ghế, phông bạt, cổng hoa. Đặc biệt, cô dâu nên dành thời gian để lau dọn, trang trí bàn thờ gia tiên cẩn thận, đảm bảo sự tươm tất và sạch sẽ. Cắm hoa tươi, sắp xếp mâm ngũ quả, bày trí rượu, nhang thơm cũng cần được chú ý đến để tạo không gian trang trí ấn tượng.

Chuẩn bị trang phục cô dâu và dàn bưng quả

Cùng trang phục chú rể và dàn bưng quả nam, nhà gái cũng cần chọn áo dài cưới cho mình. Đồng thời cũng cần tìm hiểu về các vấn đề trang điểm, làm tóc, lựa chọn trang phục cho dàn bưng quả hợp với phía nhà trai.

Phong tục lễ đính hôn tổ chức như thế nào?

Phong tục lễ đính hôn sẽ có sự khác nhau theo từng vùng miền, địa phương. Tuy nhiên, nhìn chung, trình tự tổ chức lễ ăn hỏi cũng tuân theo những bước như sau:

Nhà trai chào hỏi, trao lễ vật nhà gái

Nhà trai chào hỏi, trao lễ vật nhà gái
Nhà trai chào hỏi, trao lễ vật nhà gái

Theo đúng ngày và giờ đã định trước, gia đình nhà trai sẽ mang theo tráp lễ đính hôn đến nhà cô dâu. Thông thường, cô dâu và dàn bê tráp sẽ ra cổng đón tiếp nhà trai. Tiếp đó, đại diện hai bên chào hỏi, đội bưng tráp nhà trai tiến vào trao lễ cho nhà gái. Sau khi đặt mâm lễ lên vị trí trang trọng, đội mâm quả trao nhau bao lì xì trả duyên.

Cô dâu, chú rể dâng hương lên bàn thờ tổ tiên

Cô dâu, chú rể dâng hương lên bàn thờ tổ tiên
Cô dâu, chú rể dâng hương lên bàn thờ tổ tiên

Đây được xem là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong lễ đính hôn. Cô dâu và chú rể sẽ bày biện lễ vật, lấy từ các mâm sính lễ và chia thành các đĩa nhỏ, sau đó dâng lên bàn thờ gia tiên. Tiếp theo, cả hai sẽ cùng nhau thắp hương, báo cáo gia tiên, mong ông bà chứng giám, phù hộ.

Chú rể trao hoa, nhẫn đính hôn

Cô dâu chú rể ra mắt hai bên gia đình. Dưới hướng dẫn của chủ hôn, chú rể trao tặng bó hoa cho cô dâu và đeo nhẫn đính hôn lên tay cô dâu. Tất cả diễn ra dưới sự chứng kiến của đại diện từ cả hai gia đình. Sau khi trao nhẫn, cha mẹ của cô dâu có thể lên tặng quà và chia sẻ một số lời dặn dò, lời chúc phúc cho con gái và con rể.

Hai nhà bàn bạc lễ cưới

Phần tiếp theo của phong tục lễ đính hôn khá thoải mái với sự tham gia của cả hai gia đình. Người lớn sẽ ngồi lại để thảo luận và thống nhất về ngày, giờ tổ chức lễ cưới, cũng như cách thức và trình tự của sự kiện. Thường thì trước ngày cưới, gia đình nhà trai đã đi xem ngày lành và tháng tốt, cũng như chuẩn bị sẵn các kế hoạch để trình bày. Phía nhà gái thường chỉ lắng nghe và xem xét ý kiến, đưa ra quyết định phù hợp.

Cô dâu, chú rể chụp hình kỷ niệm ngày lễ ăn hỏi
Cô dâu, chú rể chụp hình kỷ niệm ngày lễ ăn hỏi

Trong thời gian người lớn thảo luận, cặp đôi có thể tận dụng thời gian để ra ngoài cổng hoa chụp ảnh kỷ niệm cùng với người thân và bạn bè.

Nhà gái lại quả cho gia đình nhà trai

Nhà gái sẽ cầm mâm quả ra phía sau nhà để sắp xếp và phân chia một phần lễ vật để nhà trai mang về, được gọi là “lại quả”. Không có quy định cụ thể về việc nhà gái phải lại quả cho nhà trai số lượng bao nhiêu. Phần mâm quả chia cho nhà trai sau khi đưa ra phải được để ngửa, nắp đậy và phủ bằng khăn màu đỏ.

Để chuẩn bị cho nghi thức trả quả, hai đội bưng quả nam nữ cũng sắp xếp hàng ngay ngắn, giữ nguyên trình tự như khi trao quả. Cô dâu và chú rể đứng giữa trước cổng hoa, sau hiệu lệnh, hai bên cùng tiến tới, một bên trao và một bên nhận, thể hiện sự hòa thuận và đồng lòng trong nghi thức này.

Nhà gái mời nhà trai bữa cơm thân mật

Theo truyền thống, sau buổi lễ ăn hỏi, nhà gái thường mời lại các đại diện của nhà trai để ăn một bữa cơm thân mật. Bữa cơm này có thể được tổ chức tại nhà của cô dâu hoặc có thể chọn địa điểm như một nhà hàng hoặc quán ăn gần đó, miễn là thuận tiện cho hai gia đình.

Lễ đính hôn là một nghi lễ quan trọng với nhiều ý nghĩa trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam. Mong rằng, bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về nghi lễ này. Nếu có vấn đề gì cần đóng góp cho bài viết, đừng ngại để lại bình luận dưới bài viết này nhé!

>>> Xem thêm Lễ vu quy là gì? tại đây

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.