Top địa điểm cầu duyên nổi tiếng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Cầu duyên được xem như một nét đẹp văn hóa truyền thống, tín ngưỡng tâm linh của người Việt từ xa xưa. Nếu hiện tại bạn vẫn đang lẻ bóng, tham khảo ngay những ngôi chùa cầu duyên cực nổi tiếng dưới đây nhé!

Đi chùa cầu duyên ở đâu linh nhất?

Hiểu rõ ý nghĩa của việc đi chùa cầu duyên

Phật giáo cực kỳ coi trọng chữ duyên. Theo đó, các tín đồ thường cho rằng mọi chuyện chúng ta làm, mọi người chúng ta gặp đều đã được gieo duyên từ nhiều kiếp trước. Trong các mối duyên đó, có 3 thứ may mắn nhất của đời người: đi học gặp thầy giỏi, bạn tốt, đi làm gặp đồng nghiệp tốt, và lập gia đình gặp được bạn đời tốt.

Tìm được người yêu, người vợ, người chồng tốt là cơ duyên hiếm có chúng ta phải trân trọng. Do đó, không phải ai cũng dễ dàng tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp. Nhất khi là giới trẻ hiện nay do bận rộn học tập, làm việc nên không có nhiều cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu người khác giới, hoặc tình cảm của họ gặp nhiều trắc trở chưa được như ý muốn. Do đó khi năm hết Tết đến, các cô gái chàng trai thường tấp nập lên chùa cầu duyên, mong cho duyên lứa đôi của mình được thuận lợi, suôn sẻ.

Cầu duyên không chỉ đơn thuần là tình yêu trai gái, mà còn là những duyên lành khác trong cuộc sống. Hay đôi khi cầu duyên chỉ là việc mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mình.

Bản chất ban sơ của việc đi lễ chùa là “để kiếm tìm sự thảnh thơi cho cõi lòng”, để ước nguyện và có những khoảnh khắc hòa mình vào chốn linh thiêng, bỏ lại những vất vả trong cuộc sống mưu sinh thường nhật.

Ý nghĩa việc cầu duyên là gì?

Chùa cầu duyên Hà Nội linh ứng nhất

Nói đến những địa điểm cầu an, cầu duyên nổi tiếng nhất Hà Nội không thể thiếu những địa chỉ sau.

Chùa Hà

Chùa Hà có tên tiếng Hán là Thánh Đức Tự, nằm e ấp nép mình trên con phố cùng tên thuộc quận Cầu Giấy. Ngôi chùa gây ấn tượng bởi cổng chào uy nghi độc sắc xám, kiến trúc cổ kính với phần lớn nội thất đều được làm từ gỗ quý. Chùa Hà cùng Chùa Duyên Ninh tạo thành “tổ hợp cầu duyên” linh nghiệm trứ danh miền Bắc.

Những cặp đôi đến đây sẽ càng khăng khít, yêu thương nhau, còn những ai một mình sẽ mau chóng gặp được ý chung nhân như mình mong muốn. Một số bạn trẻ cầu duyên quay lại với người yêu cũ cũng đều bình yên quay về bên nhau. Nếu những ai chưa may mắn tìm được tình yêu đích thực của đời mình, sau khi đi lễ chùa cũng sẽ cảm thấy lòng mở hơn để sẵn sàng đón nhận yêu thương.

Chùa Hà mở quanh năm, từ sáng sớm đến 6h chiều. Vào những ngày rằm chùa sẽ mở cửa trễ hơn để mọi người có thể thoải mái về mặt thời gian.

  • Địa chỉ: Địa chỉ: 86 phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Chùa Hà – địa điểm cầu duyên nổi tiếng tại Hà Nội

Chùa Phúc Khánh

Chùa Phúc Khánh (hay Chùa Sở 1) được người dân Hà Nội nói riêng và người miền Bắc nói chung biết đến là ngôi chùa cầu bình an, tài lộc, may mắn, ngoài ra còn mang đến sự linh thiêng, kết nối tình duyên đôi lứa cực kỳ linh nghiệm. Dây còn là ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Hà Thành, được công nhận là Di Tích Lịch Sử – Văn Hoá Cấp Quốc Gia vào năm 1988. Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính.

Hiện chùa đang lưu giữ hơn 20 pho tượng, 21 tấm bia đá, 30 đại hồng chung cùng nhiều hiện vật khác mang giá trị cao về mặt nghệ thuật. Vào bất kỳ thời gian nào, chùa cũng đông đúc người hành hương lui về cầu bình an, hạnh phúc, đặc biệt là những nam thanh nữ tú về chùa cầu duyên hay tìm cho mình một góc bình yên giữa lòng Hà Nội ồn ào, náo nhiệt.

  • Địa chỉ: cầu vượt Ngã Tư Sở, Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội
Chùa Phúc Khánh

Phủ Tây Hồ

Phủ Tây Hồ là một trong những chốn linh thiêng nhất của hệ thống đình chùa Việt Nam, là nơi thờ phụng Công chúa Liễu Hạnh – người phụ nữ tài hoa, đức hạnh, giỏi cầm ca thơ phú và cũng là một trong những vị thánh đặc biệt của tín ngưỡng Tứ phủ Việt.

Du khách thập phương thường đến đây để cầu bình an, cầu may, cầu công danh sự nghiệp, các bạn trẻ thì đến để cầu tình duyên êm đẹp, người cô đơn mong sớm tìm được một nửa còn lại.

  • Địa chỉ: 52 phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội
Phủ Tây Hồ ngày lễ

Chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc có lịch sử hình thành lên tới gần 1500 năm, và là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long thời nhà Lý và nhà Trần, chùa mang nhiều giá trị về lịch sử và kiến trúc, nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng thu hút nhiều tín đồ Phật giáo và khách tham quan, du lịch.

  • Địa chỉ: 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội
Chùa Trấn Quốc

Chùa Duyên Ninh – Ninh Bình

Cách thành phố Hà Nội khoảng hơn 90km, tương đương với 2 giờ đồng hồ đi xe, bạn có thể ghé thăm chùa Duyên Ninh tọa lạc tại Ninh Bình. Đây là ngôi chùa từng se duyên cho Vua Lý Thái Tổ và hiền thê Lê Thị Phất Ngân – ái nữ của Vua Lê Đại Hành. Về sau, hoàng hậu Phất Ngân đã đến đây tu hành và thực hiện tác hợp cho nhiều đôi lứa hữu tình.

Trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa này vẫn được các Phật tử tứ phương tìm đến mỗi khi muốn cầu nguyện chuyện tình cảm hay tìm kiếm may mắn về đường con cái.

Nằm ở vị trí đặc địa, tựa mình vào cách núi và hướng mình ra mỹ cảnh thiên nhiên cố đô hùng vĩ, du khách đến đây còn có thể ngắm nhìn phong cảnh, hòa mình vào sự bao la của đất trời, tâm hồn từ đó cũng rộng mở và thanh tịnh hơn. Gần đó còn có các danh lam thắng cảnh bạn có thể tham khảo như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Hoa Lư, Tam Cốc…

  • Địa chỉ: Tràng An, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
Chùa Ninh Duyên với phong cảnh hữu tình

Chùa Lôi Âm – Quảng Ninh

Cách Hà Nội khoảng 2,5 giờ đi xe, chúng ta có thể đến với chùa Lôi Âm, hay còn gọi là Linh Thứu Kỳ Sơn Lôi Âm Tự để cầu duyên. Chùa nằm trên dãy núi cùng tên có độ cao 500m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ, hệ thực vật phong phú được ví von như một cao nguyên thu nhỏ của Đại Yên.

Tổng diện tích chùa lên tới hơn 100m2, bao gồm: giếng Thiêng, suối Giải Oan, hang động và rất nhiều hồ nước xung quanh, không quá rộng nhưng vô cùng uy nghiêm. Chùa nằm sừng sững ẩn mình trong làn mây khói trắng mờ ảo, giúp bạn cảm thấy bình yên đến kỳ lạ.

  • Địa chỉ: Đại Yên, Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Chùa Lôi Âm

Đền Bắc Lệ – Lạng Sơn

Nếu bạn vẫn đang độc thân, hay đơn giản muốn cầu hạnh phúc cho gia đình, hãy tìm đến đền Bắc Lệ. Người dân nơi đây luôn tin tưởng rằng đây là ngôi đền cầu duyên thiêng nhất xứ Lạng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tương truyền Mẫu Thượng ngàn là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh, cháu ngoại vua Hùng trước đây thường cùng với cha đi chu du các bản mường, hang động, giúp cho cuộc sống dân lành được sung túc. Vào thời Lê Lợi, bà đã hiển linh, âm phù, hóa thành bó đuốc để dẫn đường quan quân Lê Lợi thoát khỏi sự truy kích của giặc. Công cuộc bình Ngô đại thắng, Lê Lợi được phong lên làm vua và cho dựng đền Bắc Lệ để ghi nhớ công ơn của bà. Nếu theo tích trên  thì Đền Công Đồng Bắc Lệ có từ thời vua Lê Lợi.

Đây là ngôi đền thờ mẫu điển hình của nước ta, nằm trên một quả đồi cao, xung quanh đều là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trải qua 5 lần tu bổ và tôn tạo nhưng đền vẫn giữ lại những kiến trúc xưa, còn nguyên vẹn và mang đậm dấu ấn điêu khắc dân gian, giao thoa giữa nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc tạo nên những nét riêng biệt.

Ngay cả khi không cầu duyên, chúng ta cũng nên đến đây một lần để chiêm ngưỡng nét đẹp của ngôi đền này.

  • Địa chỉ: Thôn Bắc Lệ, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn
Đền Bắc Lệ

Địa điểm câu duyên tại thành phố Hồ Chí Minh

Đi vào trong Nam, chúng ta cũng không có để tìm được những địa chỉ cầu duyên nổi tiếng.

Cầu duyên chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng được mệnh danh là ngôi chùa linh thiêng nhất tại TP HCM, được xây dựng theo kiến trúc Trung Hoa đầy thu hút. Nằm giữa trung tâm quận 1, ngôi chùa nổi bật với sắc đỏ cam ấn tượng, cổng Tam Quan thiết kế uốn lượn tạo hình “Lưỡng Long Tranh Châu” bắt mắt.

Chùa được xây dựng từ đầu thế kỷ XX – chủ yếu để thờ cúng Ngọc Hoàng cùng các vị thần trong tín ngưỡng người Hoa. Bên cạnh cầu duyên, bạn có thể đến đây để tận hưởng không gian thiền thanh tịnh, ngắm nhìn kiến trúc độc đáo hay phóng sinh tại bể cá, bể rùa bên trong chùa.

  • Địa chỉ: 73 Đường Mai Thị Lựu, Đa Kao, Q. 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ông

Chùa Ông tọa lại tại quận 5, là cái tên quen thuộc đối với con dân Sài Thành. Khi đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp độc đáo của kiến trúc, văn hóa, tôn giáo người Hoa gốc Triều Châu.

Chùa thờ Quan Công – tức Quan Vũ, một danh tướng nổi tiếng với tài đức vẹn toàn thời Tam Quốc. Vào những dịp quan trọng, chùa sẽ diễn ra nhiều hoạt động thờ cúng, treo đèn, đua tranh… vui nhộn.

  • Địa chỉ: số 678, đường Nguyễn Trãi, P. 11, Q. 5, TP. Hồ Chí Minh
Chùa Ông nổi bật với nét kiến trúc độc đáo

Chùa Bà Thiên Hậu

Gần sát chùa Ông là chùa Bà Thiên Hậu, cũng là một ngôi chùa cổ của người Hoa lâu đời nhất tại Sài Gòn. Tồn tại hơn 260 năm, trải qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét đẹp độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Đây được xem là nơi cầu duyên vô cùng linh thiêng. Khi đến đây, bạn có thể học văn khấn tháp hoặc viết điều ước của mình ra giấy, treo nó lên cùng với một bó hương để “xin duyên” với bà.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể “xin xăm” dự đoán tương lai tại đây. Ngôi chùa thu hút nhiều người đến cầu bình an và cầu duyên hàng năm.

  • Địa chỉ: số 710, đường Nguyễn Trãi, Q. 5, TPHCM
Chùa Bà Thiên Hậu cổ kính

Tu viện Khánh An

Tu viện Khánh An tuy ở xa trung tâm thành phố nhưng lại khá dễ tìm. Nơi đây nổi tiếng với kiến trúc độc lạ, thu hút đông đảo tín đồ Phật tử cùng các bạn trẻ đến vãng cảnh, hay đơn giản là chụp ảnh sống ảo.

Được xây dựng theo phong cách kiến trúc Phật Giáo Bắc Tông thuộc phong cách chùa chiền cổ xưa của người Việt nhưng lại có nét hao hao những ngôi đền, chùa xứ Phù Tang, tu viện còn được mệnh danh là “Nhật Bản” thu nhỏ giữa Sài Gòn. Các tone màu được sử dụng đều thân thuộc với văn hóa đời sống người Việt như màu đỏ của gạch, đất, xám của khói và trắng của vôi. Đặc biệt, tu viện không sử dụng các hình tượng rồng, phượng hay các họa tiết trang trí sặc sỡ như kiến trúc chùa Việt Nam.

Nhiều bạn trẻ đến với tu viện để xin duyên, cầu mong nhanh chóng hết “ế”. Bên cạnh đó, kiến trúc tu viện cũng mang đến cho bạn những bức ảnh “nghìn like”.

  • Địa chỉ: 3D QL1A, An Phú Đông, Q. 12, TP Hồ Chí Minh
Tu viện Khánh An

Chùa Bửu Long

Không chỉ nổi tiếng là một trong những ngôi chùa cầu duyên số một tại đất Sài Thành, chùa Bửu Long còn lọt top những ngôi chùa có kiến trúc đẹp nhất trên thế giới. Nhìn tổng thể, chùa mang nét kiến trúc của những ngôi chùa Thái Lan, xây dựng kỳ công với phần đỉnh chóp màu vàng.

Bỏ lại cái ồn ào hối hả của Sài Gòn, thiết kế chùa giúp bạn như được hòa mình với thiên nhiên xanh mát. Khuôn viên 11ha được bao phủ bởi muôn vàn những cây xanh. Dọc lối đi vào là những hàng cây thẳng tắp, càng tô thêm vẻ tráng lệ cho ngôi chùa. Chính giữa khuôn viên là hồ nước xanh ngọc, xung quanh đều được chạm trổ cầu kỳ.

Nổi bật nhất có lẽ là tháp Gotama Cetiya cao 56m đẹp rực rỡ. Đỉnh tháp gắn chuông gió ngân vang, tạo nên những dấu ấn không bao giờ quên khi du khách đến đây.

  • Địa chỉ: 81 Nguyễn Xiển, Long Bình, Q. 9, TPHCM
Chùa Bửu Long

Lăng Ông Bà Chiểu

Lăng Ông Bà Chiểu hay Thượng Công Miếu, là nơi thường diễn ra những sự kiện như lễ giỗ Lê Văn Duyệt vào ngày 1,2 tháng 8 âm lịch, hay vào ngày rằm, khách vãng lai thường đến đây để cầu bình an, sức khỏe. Người độc thân cũng hay đến đây để cầu nguyện sớm tìm thấy nửa kia của mình.

  • Địa chỉ: Số 1 đường Vũ Tùng, P. 3, q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Lễ cầu duyên bao gồm những gì?

Đi lễ cầu duyên cần những gì?

Khi đi chùa cầu duyên, chúng ta cần chú ý những điều sau:

Chọn ngày đi lễ

Để cầu duyên được thuận lợi, bạn cần đến chùa vào một ngày đẹp, hợp tuổi, đi vào ngày mùng 1 và rằm là tốt nhất. Tuy nhiên số lượng người đi lễ chùa vào ngày này cũng rất đông, nên rất khó để tìm được không gian quỳ trước ban thờ Mẫu cầu duyên.

Lễ cầu duyên

Lễ cầu duyên sẽ bao gồm:

  • Lễ Ban Tam Bảo: cầu cho cuộc sống bình an. Lễ tại đây sẽ gồm có hương, hoa, nến (bắt buộc), bên cạnh đó bạn có thể chuẩn bị thêm bánh kẹo, hoa quả, oản bột tùy tâm. Tuyệt đối không thờ đồ mặn và tiền vàng.
  • Lễ Ban Đức Chúa Công: cầu cho đường công danh, sự nghiệp rộng mở. Lễ sẽ bao gồm rượu, tiền vàng, thuốc lá, đồ ăn mặn tùy ý.
  • Lễ Ban Mẫu: ban thờ tình duyên. Tại đây, mâm lễ cần có tiền vàng, trầu cau, hoa (bắt buộc), có thể sắm thêm bánh kẹo hay chuẩn bị tiền lẻ để làm công đức.
Lễ cầu duyên bao gồm những gì?

Quá trình thắp hương cầu duyên tại chùa

  • Đầu tiên, bạn cần viết sớ cầu duyên dâng lên ban Tam Bảo, ban Đức Chúa Ông và ban Mẫu, dâng sớ cũng như đồ lễ đã chuẩn bị lên từng ban.
  • Thắp hương và vái 3 vái.
  • Khấn xin tại các ban, tốt nhất nên học thuộc những bài khấn, đặc biệt là bài khấn cầu duyên để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ.

Lưu ý khi đi chùa cầu duyên

Để cầu duyên linh nghiệm, giúp bạn nhanh chóng tìm được “nửa kia” của mình, cần lưu ý những thông tin quan trọng sau đây:

  • Khi đi cầu duyên, bạn nên đi một mình, ăn mặc lịch sử, áo có tay, quần dài đến mắt cá chân, màu sắc trang nhã, phù hợp với môi trường tâm linh và tốt nhất không nên mang váy.
  • Tắt tiếng điện thoại khi đi vào khu vực ban thờ, không nói tục chửi thề, không đùa nghịch làm hư hỏng đồ vật, cảnh quan trong khuôn viên chùa.
  • Vào dịp Tết đến xuân về, bạn có thể viết sớ để dâng cả ba ban Tam Bảo, ban Đức Chúa Ông và ban Mẫu để cầu xin sức khỏe dồi dào, công danh rộng mở cũng như chuyện tình yêu đôi lứa thuận lợi, không nên chỉ cầu tình duyên.
  • Tùy thuộc vào tâm và duyên số, mỗi người khi cầu tình duyên sẽ được các ngài chứng theo thời gian nhanh, chậm khác nhau. Có người chỉ sau một tháng là đã tìm được ý chung nhân, nhưng cũng có những người đến 2 – 3 tháng chẳng hạn.
  • Tục cầu tình duyên sẽ không dừng lại ở việc tìm thấy người yêu, mà trong mối quan hệ đó, bạn cần phải toàn tâm toàn ý, chung thủy, trân trọng và dành sự yêu thương thật lòng cho đối phương.
  • Bạn chỉ nên đi chùa cầu duyên khi đã xác định yêu đương nghiêm túc và hướng tới cái đích cuối cùng là lập gia đình.

Trên đây là top những địa điểm bạn có thể tham khảo nếu muốn đi cầu duyên. Chúc bạn sớm tìm được mối duyên lành của cuộc đời mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.